Tại một chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Thanh Nga (42 tuổi) cứ vài phút lại lấy khăn vắt nước một lần. Cả nhà 4 người chia nhau canh một góc cửa sổ căn hộ ở tầng 23 – cao nhất tòa chung cư. “Rát đỏ tay chỉ vì vắt nước”, chị Nga nói.
Cánh cửa ban công liên tục rung lắc, nhiều lúc chị cảm tưởng chúng sắp bung ra đến nơi. Để gia cố, chị lấy ghế sofa ra chèn, đề phòng cửa kính rơi vỡ cũng không bắn tứ tung trong nhà. Từ chiều, giàn phơi di động ngoài ban công cũng vì va đập quá mạnh cũng đã đứt dây, rơi xuống đất.
Nước tràn vào nhà từ cửa sổ |
Bảo Thanh (29 tuổi) là hàng xóm nhà chị Giang, từ đêm qua biết tin bão về, Thanh đã dịch chiếc đệm trong phòng ngủ ra giữa nhà vì biết cửa sổ của phòng này sẽ xảy ra hiện tượng thấm dột từ cửa sổ.
Ngay từ chiều 7/9, hai vợ chồng Thanh phải liên tục lấy chậu hứng nước rồi dùng các loại chăn, quần áo cũ chắn nước mưa rơi từ trên cao xuống. Cô nói cả đêm nay hai vợ chồng không dám ngủ để hứng nước.
Hình ảnh tại chung cư Goldmark City (trái) và tòa nhà CT12B Kim Văn Kim Lũ. |
Còn ông Lê Thanh Hùng (54 tuổi) cho biết, chưa từng chứng kiến cơn bão nào mạnh như vậy. Cả gia đình đã đóng chặt cửa kính nhưng mỗi khi nghe tiếng gió rít mọi người vẫn nín thở.
“Nhiều lúc, tôi đưa tay chạm nhẹ vào kính phòng khách thấy cửa cứ giật liên tục, nước bắn tung toé ngoài hành lang. Cảm giác của tôi là rất lo lắng, không biết kính có vỡ không“, ông Hùng bày tỏ sự lo âu.
Theo kiến trúc sư Vũ Trọng Nghĩa (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất Interior), những người sống ở chung cư cần lưu ý những điều sau:
Xác định lối thoát hiểm khẩn cấp: Trong thời tiết khắc nghiệt, cực đoan thì việc biết nơi trú ẩn và lối thoát hiểm trong khu chung cư là rất quan trọng. Do đó, người dân cần nắm được kế hoạch an toàn và cách sơ tán khi có bão.
Tìm nơi trú ẩn an toàn trong chính căn hộ: Nơi trú ẩn cần cách xa cửa sổ, cửa kính trong nhà. Nên chọn nơi khuất gió, kín gió, có thể kê tấm nệm dày hoặc núp sau cánh tủ lớn để phòng trường hợp các mảnh vỡ bay ra. Kéo rèm sau tấm cửa kính để hạn chế mảnh vỡ bay ra khi cửa bị bão làm hư hại.
Chuẩn bị bộ dụng cụ an toàn: Ngoài các vật dụng sơ cứu như băng cá nhân, gạc, găng tay và thuốc khử trùng… thì những vật dụng cần thiết khác cần chuẩn bị như: Đèn pin, pin, thực phẩm, nước uống, danh sách số điện thoại và số liên lạc khẩn cấp. Cần chuẩn bị tất cả những đồ dùng cần thiết ở vị trí dễ thấy để khi cần sử dụng không bị luống cuống, mất thời gian.
Di dời các vật dụng về nơi an toàn: Ban công hay những nơi hút gió nên để gọn các những vật dụng, hoặc xếp chụm lại một chỗ, dùng dây buộc cố định với một điểm nào đó vững chắc để gió không giật tung hay xô đổ. Che chắn những ổ cắm điện ngoài ban công bằng cách dính băng dính, dùng hộp bảo vệ ổ cắm, rút nguồn điện. Kiểm tra vị trí ống thoát nước, nếu có rác cần làm sạch để nước không bị ứ đọng, chảy vào trong nhà.
Ngoài ra, kiến trúc sư Vũ Trọng Nghĩa cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn cho hệ thống cửa ngày mưa bão với gió giật mạnh như dán băng dính (băng keo) lên mặt kính giúp tăng cường độ bền và hạn chế kính vỡ vụn thành các mảnh sắc bén khi có va đập; sử dụng thêm chốt an toàn, thanh chắn hoặc khung bảo vệ để tăng cường độ vững chắc của cửa sổ, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ bị gió mạnh tác động; chèn kín khe hở bằng keo silicon hoặc đệm mút để ngăn gió lùa và tạo áp lực lớn lên cửa.
Sập trần thạch cao tại chung cư ICID complex, đường Lê Trọng Tấn, Dương Nội, Hà Đông. |
Gió mạnh tạt vỡ tung gạch ốp thang máy tại khu nhà ở cán bộ Viện 103, xã Tân Triều, Thanh Trì. |
Căn hộ ở tầng 23 bị gió bão thổi bung cánh cửa. |
Một người phụ nữ bị gió quật ngã ở khu vực ngã tư Tây Sơn – Chùa Bộc. Ảnh: Hùng Nguyễn |
TS. Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9 là thời điểm gió mạnh nhất ở Hà Nội. Gió bắt đầu lặng ở Hà Nội từ 1h ngày 8/9, nhưng mưa có thể kéo dài đến 8-9h. Đến trưa 8/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 – bão Yagi, một số khu vực của Thủ đô xảy ra tình trạng mất điện do cây lớn đổ vào hệ thống đường dây truyền tải điện.
Điện lực Hà Nội khuyến cáo người dân, khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện. Người dân cần đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: Cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.