CN. Th10 6th, 2024

Cả đời tằn tiện, tưởng tảo tần ít năm nữa sẽ thảnh thơi, không ngờ chị T. chết oan ức do bị cây phượng bật gốc đè lên khi chị ra Hà Nội làm visa đi Hàn Quốc.

Không khí tang thương bao trùm lấy ngôi nhà nhỏ của chị L.T.T. (41 tuổi, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) – nạn nhân bị cây phượng bật gốc ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đè tử vong hôm 6/9 sau trận mưa lớn.

Đã mấy ngày trôi qua nhưng người thân vẫn thẫn thờ chưa thể tin và chấp nhận sự thật này. Chứng kiến người chồng gào khóc nức nở, 3 đứa con thơ ngơ ngác trước sự ra đi vĩnh viễn của mẹ, bà con chòm xóm không cầm được nước mắt xót thương.

Hiện trường nơi chị T. bị cây bật gốc đè trúng người. (Ảnh: M.T)

Hiện trường nơi chị T. bị cây bật gốc đè trúng người. (Ảnh: M.T)

Nhắc đến người vợ quá cố, anh Hoàng Sỹ Linh (42 tuổi) nấc lên nghẹn ngào kể về những năm họ lăn lộn, miệt mài cùng nhau lao động, dồn hết những năm tuổi trẻ vào việc kiếm tiền nuôi con, vun đắp tổ ấm, tưởng dấn thêm ít năm nữa là có thể cho phép mình hưởng quả ngọt, vậy mà cây phượng bật gốc oan nghiệt kia đã cắt đứt tất cả. Chị T. ra đi khi chưa được hưởng một ngày thảnh thơi.

Anh Linh kể, sau khi sinh hạ 3 người con, vợ chồng anh luân phiên nhau qua Hàn Quốc làm việc theo diện xuất khẩu lao động. Ở xứ người, họ mưu sinh bằng nghề trồng rau trên đảo. Cách đây không lâu, hai vợ chồng về quê để chăm con cũng như giải quyết vài công việc. Sáng sớm 6/9, chị T. đón xe khách ra Hà Nội để làm visa quay lại Hàn Quốc.

“Làm xong visa, vợ tôi gọi điện về thông báo đang ra bến xe để về quê. Lúc này, Hà Nội đang mưa to gió lớn, tôi dặn vợ nếu mưa lớn quá thì hãy ở lại, chờ tạnh ráo rồi về”, anh Linh lại khóc, nói đó chính là những lời cuối cùng anh nói với người phụ nữ của đời mình.

Chị T. vẫn quyết về quê nên nhờ em trai chồng chở bằng xe máy ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội) trong cơn mưa nặng hạt, đến đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) thì bị một cây phượng bật gốc đè trúng. Chị bất hạnh qua đời, còn người em chồng bị thương nặng.

Nhận tin vợ và em trai gặp nạn, anh Linh hy vọng đây chỉ là sự nhầm lẫn. Những tiếng tút dài vọng ra khi anh cố gọi điện cho vợ khiến nỗi khắc khoải sợ hãi càng lớn; người chồng vội bắt xe ra Hà Nội và tuyệt vọng biết vợ không còn.

“Tôi nghĩ ở hiền thì gặp lành, trời sẽ thương, nhưng sao số phận vợ tôi hẩm hiu quá. Ba đứa nhỏ đêm nào cũng khóc, cứ thút thít đòi mẹ”, anh Linh nói trong nước mắt.

Đám tang chị T. được tổ chức tại quê nhà. (Ảnh: Bá Quyền)

Đám tang chị T. được tổ chức tại quê nhà. (Ảnh: Bá Quyền)

Thương xót một tổ ấm từ nay đã không còn toàn vẹn với 3 đứa trẻ mồ côi và người đàn ông góa vợ, người thân, bạn bè, hàng xóm vừa than thở về số phận hẩm hiu của chị T. vừa tha thiết mong rằng sau cái chết tức tưởi, oan ức ấy, các đơn vị chức năng sẽ quản lý hiệu quả hơn về an toàn cây xanh đô thị, kiểm tra, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gãy đổ, nhất là vào mùa mưa bão.

Việc vô số cây lớn ở Hà Nội và nhiều địa phương khác bị gãy đổ, bật gốc, có cây đè bẹp cả ô tô trong cơn bão số 3 vừa qua càng cho thấy vấn đề này cần được quan tâm đến thế nào. Nếu không được kiểm tra cẩn thận và xử lý an toàn, mỗi gốc cây vốn là người bạn chở che, tạo bóng mát và làn khí trong lành cho con người sẽ có thể trở thành tai họa, thậm chí thành thần chết.

Bên cạnh đó, mỗi người dân khi đi đường đều phải là vệ sỹ hiệu quả nhất cho chính mình khi ghi nhớ những nguyên tắc an toàn như cập nhật thông tin để nắm bắt các diễn biến cực đoan của thời tiết, nếu phải ra đường trong mưa lớn hay gió bão, phải chú ý cảnh giác với những hàng cây có nhiều nhánh lớn vươn dài, những biển báo, mái tôn, cột điện… vì chúng có thể bị gió mạnh giật đổ xuống đường, gây tai nạn.

Nếu không phải tình huống bất khả kháng, tốt nhất đừng ra đường trong thời tiết cực đoan, bởi nhiều khi nhanh một chút, chậm cả đời.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *