T3. Th12 10th, 2024

Ở thời điểm đầu năm học mới, chi phí học hành cho con em tốn kém nhưng cả trăm công nhân, người lao động một công ty may ở Nam Định lâm cảnh công ty ngừng sản xuất, chủ người nước ngoài về nước cùng khoản nợ lương, nợ đóng bảo hiểm gần chục tỷ đồng.

Chiều 18/9, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, ông Mai Xuân Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, cùng ngày, ông cùng đoàn công tác của Liên đoàn Lao động huyện đã về Nhà máy may của Công ty TNHH Hue Vina, đứng chân ở địa bàn thị trấn Thịnh Long để nắm bắt tình hình công nhân, người lao động của công ty tập trung tại nhà máy để đòi quyền lợi.

Nam Định: Công ty ngừng sản xuất, chủ nợ lương, bỏ về nước, cả trăm công nhân bơ vơ

Công nhân Công ty TNHH Hue Vina vạ vật ở nhà máy đòi quyền lợi.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hải Hậu, Công ty TNHH Hue Vina về thuê nhà xưởng, tuyển dụng công nhân, tổ chức gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Thị trấn Thịnh Long đã nhiều năm.

Chủ doanh nghiệp là ông Park Dong Young, quốc tịch Hàn Quốc, là người đại diện theo pháp luật. Công ty cũng có sự góp vốn của chủ người Việt Nam, đăng ký địa chỉ tại đường Điện Biên, phường Cửa Bắc, TP Nam Định.

Thời điểm trước khi dịch Covid-19, công ty có gần 300 công nhân. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp này gặp khó khăn, khan hiếm đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm lao động, từ gần 300 xuống chỉ còn hơn 100 người.

Thời gian qua, hoạt động của công ty vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khó khăn hơn dẫn đến việc phải ngưng sản xuất, nhà xưởng đóng cửa.

“Các công nhân tập trung ở nhà máy đòi quyền lợi kéo dài đã hơn 1 tuần. Công nhân mong muốn được giải quyết quyền lợi và muốn biết chuyện công việc của họ sau đây như thế nào. Khi xuống công ty chúng tôi không gặp được chủ người Hàn Quốc, Phó Giám đốc người Việt đang vướng pháp luật nên cũng không có mặt ở nhà máy. Theo phản ánh của các công nhân trước khi ngừng sản xuất, chủ doanh nghiệp vắng mặt, Công ty vẫn nợ lương tháng 8 của công nhân, tổng số khoảng 1,5 tỷ đồng”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hải Hậu thông tin.

Ngoài nợ lương công nhân, theo ông Mai Xuân Hòa, từ năm 2019 đến nay doanh nghiệp này cũng không thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm cho công nhân, người lao động với tổng số nợ bảo hiểm hơn 8 tỷ đồng.

Nhà xưởng của công ty hiện đã đóng cửa, niêm phon

Ông cũng cho hay, mặc dù có tổ chức công đoàn nhưng 3 năm qua doanh nghiệp này không thực hiện đóng kinh phí Công đoàn.

“Chính vì vậy trước những khó khăn hơn 100 công nhân công ty TNHH Hue Vina đang gặp phải, Liên đoàn Lao động huyện chưa thể có phương án hỗ trợ khả thi, vì theo quy định, doanh nghiệp phải đóng phí Công đoàn thì khi người lao động gặp khó khăn Công đoàn mới có cơ sở hỗ trợ. Hiện Liên đoàn Lao động huyện mới chỉ nắm bắt tình hình, báo cáo Liên đoàn Lao động tỉnh và chờ hướng dẫn thêm”, ông Mai Xuân Hòa cho biết.

Liên quan việc lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, ngày 25/8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ban hành quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng).

Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06-NQ-TLĐ.

Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024.

Đối tượng áp dụng, gồm: Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 1/4/2023; các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023; Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Nguyên tắc hỗ trợ cụ thể: Đoàn viên, người lao động được xem xét, hỗ trợ chính sách do bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương phải đang làm việc theo hợp đồng lao động tại thời điểm đề nghị hỗ trợ; có tên trong danh sách trả lương (hoặc bảng lương) tại doanh nghiệp trước thời điểm bắt đầu bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đề nghị hỗ trợ ít nhất từ 30 ngày trở lên.

Đoàn viên, người lao động được xem xét, hỗ trợ chính sách do bị chấm dứt hợp đồng lao động mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải có tên trong danh sách trả lương (hoặc bảng lương) tại doanh nghiệp trước thời điểm bắt đầu bị chấm dứt hợp đồng lao động đề nghị hỗ trợ ít nhất từ 90 ngày trở lên (ít nhất từ 88 ngày trở lên nếu thời điểm bắt đầu bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/4/2023).

Đoàn viên, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Đồng thời, đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hỗ trợ thuộc đối tượng nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của đối tượng đó, nhưng một người chỉ được hưởng hỗ trợ một lần đối với một chính sách. Trường hợp đoàn viên công đoàn, người lao động được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ thì không trừ phần chênh lệch giữa các mức hỗ trợ.

Trường hợp không thể xác minh được chính sách hỗ trợ mà đoàn viên, người lao động đã được hưởng thì đoàn viên, người lao động phải có cam kết về việc đã được hưởng hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.

Trường hợp đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 đã nộp hồ sơ cho các cấp công đoàn sau ngày 31/3/2023 mà công đoàn cấp trên cơ sở chưa thẩm định hoặc quyết định hỗ trợ thì công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục thẩm định và xem xét quyết định hỗ trợ.

Tổng Liên đoàn Lao động nêu rõ, đoàn viên, người lao động được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau: Bị giảm thời gian làm việc hàng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên.

Thu nhập (chưa trừ các khoản đóng bắt buộc hằng tháng theo quy định của pháp luật) của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Thời gian bị giảm giờ làm việc, ngừng việc từ ngày 1/4/2023  đến hết ngày 31/12/2023.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *